Quy định về xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế

Ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Quy định về xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế sẽ có trong bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Khái quát về Thông tư 14/2023/TT-BYT

Để tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT Quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Theo Thông tư số 14/2023/TT-BYT, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực TTBYT, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo 1 trong 3 phương pháp, bao gồm: thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực TTBYT cung cấp; khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá. Thông tư số 14 quy định, phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp, sau khi không thực hiện được phương pháp này thì mới thực hiện 1 trong 2 phương pháp còn lại. Trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn.

Cũng theo Thông tư số 14, khi xây dựng giá gói thầu theo phương pháp báo giá của nhà cung cấp, đối với gói thầu TTBYT và linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho TTBYT, chủ đầu tư căn cứ tình hình thực tế quyết định việc thành lập hội đồng hoặc đề nghị sở y tế hỗ trợ thành lập hội đồng hoặc giao cho một đơn vị trực thuộc lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý TTBYT... Trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 1 hoặc 2 báo giá) để quyết định giá gói thầu. Trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

2. Quy định mới về xây dựng giá gói thầu mua sắm y tế

Sau khi Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đến các đơn vị, địa phương và trên thực tế đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế.

Do vậy, để thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP, khắc phục triệt để các khó khăn nêu trên, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trong Quý II năm 2023 theo trình tự thủ tục rút gọn.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Thông tư này quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị y tế; Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế công lập.

- Khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp sau đây:

+ Thứ nhất, thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp;

+ Thứ hai, khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự;

+ Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.

- Khắc phục tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất, không đáp ứng yêu cầu chuyên môn:

+ Thông tư này cũng quy định phương pháp được sử dụng đầu tiên là phương pháp thu thập báo giá của các nhà cung cấp. Trường hợp Chủ đầu tư sử dụng từ 02 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Như vậy, khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh.

+ Khi xây dựng giá gói thầu, Chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn để đăng tải yêu cầu báo giá trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử... trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công, chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 01 hoặc 02 báo giá) và quyết định giá gói thầu.

3. Quy định về xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế

Trước khi xây dựng giá gói thầu, căn cứ tình hình thực tế, Chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, chủng loại trang thiết bị y tế và khối lượng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn và thực hiện xây dựng giá gói thầu như sau:

- Việc xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp: Thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT, cụ thể như sau

 - Căn cứ vào yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại điểm a khoản này, Chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BYT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của Chủ đầu tư hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công.

- Sau khi hết thời hạn đăng tải yêu cầu báo giá, Chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 01 hoặc 02 báo giá) và quyết định theo một trong các phương thức sau đây:

+ Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu.

+ Giao Hội đồng thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá gói thầu để trình Chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu về chuyên môn.

- Việc xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tương tự như sau:

Thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT như sau: Căn cứ vào yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT, Chủ đầu tư thực hiện:

+ Xác định cụ thể khoảng thời gian tham khảo kết quả trúng thầu: tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

- Việc xây dựng giá gói thầu căn cứ vào kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.

Bài viết trên Luật Hòa Nhựt đã gửi tới bạn đọc chi tiết về vấn đề Quy định về xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế. Trong bài viết có mục nào chưa hiểu hay bạn đọc có bất kỳ thắc mắc về vấn đề pháp lý có thể liên hệ qua số tổng đài 1900.868644 hoặc qua email: [email protected] để được hỗ trợ.