1. Điều chỉnh pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, pháp luật vẫn là một phương tiện quan trọng bậc nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức, quản lý xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển của xã hội, phù hợp với những mục đích mà nhà nước và xã hội đặt ra.
Sự tác động qua lại giữa pháp luật và các quan hệ xã hội rất đa dạng, phức tạp. Một mặt, các quan hệ xã hội (đặc biệt là những quan hệ kinh tế, chính trị) có vai trò quyết định đối với pháp luật, mặt khác, chính bản thân các quan hệ xã hội lại là đối tượng tác động có mục đích của pháp luật. Sự tác động của pháp luật lên cá quan hệ xã hội thường xảy ra theo hai hướng:
- Đối vơi những quan hệ xã hội phù hợp với tiến trình phát triển xã hội, đáp ứng lợi ích của nhân dân thì pháp luật bảo vệ, củng cố và tạo điều kiện cho chúng phát triển.
- Đối với những quan hệ xã hội không đáp ứng được lợi ích của nhân dân không phù hợp với quy luật phát triển của xã hội thì pháp luật ngăn cản, kìm hãm sự phát triển của chúng và từng bước loại trừ chúng ra khỏi đời sống xã hội.
Pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội bằng cách quy định cho các bên tham gia các quan hệ đó một số quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, đồng thời pháp luật cũng xác định cả những điều kiện để bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ pháp lý đó được thực hiện. Vì vậy, khi tham gia vào các quan hệ do pháp luật điều chỉnh, các chủ thể buộc phải tự điều khiển các hành vi của mình sao cho phù hợp với các yêu cầu của pháp luật.
Như vậy, điều chỉnh pháp luật là quá trình nhà nước dùng pháp luật (với tư cách là công cụ điều chỉnh) tác động lên hành vi của các thành viên trong xã hội nhằm đạt được những mục đích đề ra.
2. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật là gì?
Phương pháp điều chỉnh của pháp luật là tổ hợp các phương tiện, biện pháp, cách thức do pháp luật quy định, có sự thống nhất bên trong, thông qua đó, pháp luật tác động vào các quan hệ xã hội một cách đồng bộ làm nảy sinh, xác lập, bảo vệ, phát triển hoặc phòng ngừa, ngăn cấm, hạn chế đến sự nảy sinh, tồn tại, phát triển các quan hệ xã hội mà nhà cầm quyền mong muốn trong các linh vực hoạt động nhất định của Nhà nước, xã hội và công dân.
Phương pháp điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh là căn cứ để phân chia các ngành luật trong hệ thống pháp luật.
3. Đặc điểm của phương pháp điều chỉnh pháp luật
Do nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) đặt ra; được ghi nhận trong quy phạm pháp luật; được nhà nước đảm bảo thực hiện trên cơ sở có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong những trường hợp cần thiết.
Các cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội có thể là cấm đoán (không cho phép tiến hành một số hoạt động nhất định), bắt buộc (buộc phải thực hiện một số hoạt động nhất định) hoặc cho phép (được phép hoạt động trong một phạm vi nhất định)
Mỗi ngành luật có những phương pháp điều chỉnh riêng. Lý do của sự khác biệt đó là vì có sự khác nhau về:
- Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật
- Trật tự hình thành quan hệ pháp luật
- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật
- Các biện pháp đảm bảo việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác nhau
Xuất phát từ tính chất, đặc điểm của quan hệ lao động và các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, luật lao động sử dụng nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau, trong đó có những phương pháp có tính phổ biến và có phương pháp mang tính đặc thù, cụ thể bao gồm:
- Phương pháp thoả thuận;
- Phương pháp mệnh lệnh;
- Thông qua sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tác động vào quan hệ phát sinh trong quá trình lao động.
4. Nguyên tắc thực hiện phương pháp điều chỉnh của pháp luật.
- Phương pháp điều chỉnh của pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc quyền uy, có tính bắt buộc thi hành, phục tùng như trong luật hành chính, hình sự
- Phương pháp điều chỉnh của pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận, bình đẳng như đối với quan hệ hôn nhân gia đinh, quan hệ dân sự,
- Phương pháp điều chỉnh của pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc tuỳ nghi lựa chọn - có nghĩa là pháp luật cho phép chủ thể pháp luật được phép lựa chọn một trong những cách xử lí mà pháp luật đã đề ra như: có thể đưa vào tài sản chung của vợ chồng hoặc giữ nguyên tài sản thuộc quyền sở hữu riêng trước khi kết hôn, thoả thuận về các điều kiện trong khi kí kết các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự,...
5. Ví dụ phương pháp điều chỉnh của Luật Hiến pháp
+ Phương pháp bắt buộc: Bắt buộc, cách thức này được Sử dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền lực Nhà nước và xác định nghĩa vụ của công dân. Theo cách thức này quy phạm Luật Hiến pháp buộc chủ thể quan hệ pháp Luật Hiến pháp phải thực hiện hành vi nhất định. (Ví dụ: công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia nền quốc phòng toàn dân)
+ Phương pháp cho phép: Cho phép, cách thức này được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội gắn với việc xác định quyền công dân và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước. Theo cách thức này quy phạm Luật Hiến pháp cho phép chủ thể quan hệ pháp Luật Hiến pháp thực hiện hành vi nhất định. (Ví dụ: Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử)
+ Phương pháp cấm đoán: Cấm đoán, cách thức này được sử dụng để điều chỉnh một số quan hệ xã hội liên quan đến quyền công dân và hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Theo cách này quy phạm pháp luật Hiến pháp. Chủ thể quan hệ pháp Luật Hiến pháp thực hiện hành vi nhất định. (Ví dụ: nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công lao động dưới độ tuổi lao động).
6. Phương pháp điều chỉnh của luật lao động
6.1. Phương pháp thoả thuận
Phương pháp thoả thuận thể hiện sự tự nguyện, bình đẳng của các bên trong quan hệ. Đây là phương pháp điều chỉnh được nhiều ngành luật liên quan đến hợp đồng áp dụng (luật dân sự, luật thương mại, luật hôn nhân gia đình, luật đất đai...). Trong luật lao động, phương pháp này chủ yếu được sử dụng trong quá trình thiết lập các quan hệ hợp đồng (hợp đồng đào tạo, HĐLĐ, thoả ước lao động tập thể...).
Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này cũng có sự khác nhau nhất định về mức độ, cách thức phụ thuộc vào đặc thù của đối tượng điều chỉnh trong từng ngành luật. Đối với luật lao động, do tính chất của quan hệ xã hội mà ngành luật điều chỉnh, sự lệ thuộc ở mức độ nhất định về mặt kinh tế và pháp lí của người lao động với người sử dụng lao động... do đó, pháp luật lao động thường có những quy định ở mức độ nhất định can thiệp vào sự thoả thuận của các bên (như tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi...) nhằm bảo vệ người lao động, hạn chế sự lạm dụng từ phía người sử dụng lao động. Nói cách khác, sự thoả thuận trong luật lao động dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng tương đối giữa các chủ thể so với việc sử dụng phương pháp này trong một số ngành luật khác. Cũng cần lưu ý thêm rằng, trong luật lao động phương pháp thoả thuận cũng được sử dụng trong thực hiện quan hệ nhằm thay đổi, bổ sung, chấm dứt quan hệ do luật lao động điều chỉnh.
Ngoài ra, nguyên tắc thương lượng, hoà giải, trọng tài được sử dụng trong giải quyết tranh chấp lao động cũng có thể được hiểu là biểu hiện của phương pháp thoả thuận.
6.2. Phương pháp mệnh lệnh
Phương pháp mệnh lệnh thể hiện tính chất quyền uy, phục tùng của các chủ thể trong mối quan hệ. Trong những quan hệ xã hội do luật lao động điều chỉnh, đặc biệt là quan hệ lao động mặc dù khi tham gia quan hệ mỗi chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ có tính độc lập nhưng kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào việc tổ chức và điều hành quá trình lao động của người sử dụng lao động. Với tư cách là chủ thể quản lí, người sử dụng lao động cổ quyền đưa ra các yêu cầu, chỉ thị, mệnh lệnh... thể hiện trong nội quy, quy chế, những quy định về tổ chức, sắp xếp lao động và người lao động có nghĩa vụ thực hiện. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh trong luật hành chính với luật lao động. Phương pháp mệnh lệnh trong luật hành chính bao giờ cũng mang tính cứng rắn và thể hiện quyền lực nhà nước bởi vì đây là phương pháp được sử dụng trong quan hệ quản lí hành chính nhà nước giữa các chủ thể có địa vị pháp lí không bình đẳng. Còn trong luật lao động, phương pháp mệnh lệnh có tính chất mềm dẻo, linh hoạt hơn bởi vì nó không thể hiện quyền lực nhà nước mà chỉ thể hiện quyền uy của người sử dụng lao động với người lao động và ở khía cạnh nào đó nó xuất hiện trên cơ sở và nhằm điều chỉnh quan hệ có tính hợp đồng trong luật lao động.
6.3. Thông qua sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tác động vào quan hệ phát sinh trong quá trình lao động
Về phương diện pháp lí, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là bình đẳng. Tuy nhiên, về mặt thực tế giữa họ có nhiều sự bất bình đẳng, người sử dụng lao động là người sở hữu vốn, tài sản doanh nghiệp, có quyền tuyển dụng, sắp xếp công việc, trả lương... còn người lao động chỉ có duy nhất sức lao động, lại thường ở trong tình trạng bấp bênh và phụ thuộc về việc làm nên trong mối quan hệ này, người lao động thường bị coi là “kẻ yếu” và người sử dụng lao động là “kẻ mạnh”.
Do đó, một cách tự nhiên và tất yếu, người lao động có nhu cầu liên kết nhau lại để bảo vệ quyền lợi của mình và tổ chức đại diện tập thể lao động (công đoàn) do những người lao động tự nguyện lập nên được pháp luật lao động, công đoàn thừa nhận là tổ chức đại diện của người lao động tham gia với tư cách là chủ thể độc lập trong mối quan hệ với người sử dụng lao động và các chủ thể khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động. Sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động được thể hiện trong suốt quá trình tồn tại, thay đổi, chấm dứt... quan hệ lao động và nó quyết định giá trị pháp lí, sự vận động của quan hệ theo những mục đích đã được xác định. Do đó, đây là phương pháp điều chỉnh và là phương pháp đặc thù của luật lao động.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật lao động, Hãy gọi ngay: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng./.