1. Khái niệm địa bàn
Địa bàn là khu vực hay phạm vị địa lí, hoặc lĩnh vực có liên quan đến một hoạt động của một tổ chức kinh tế - xã hội hay tổ chức quân sự; hoặc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lí xã hội của một tổ chức, một cơ quan hay cá nhân (ví dụ: địa bàn quản lí của một đồn công an phường, hay địa bàn phụ trách của một công an khu vực). Nhìn chung, địa bàn thường trùng với đơn vị hành chính của tổ chức và cá nhân có liên quan, song nhiều trường hợp không trùng với đơn vị hành chính (ví dụ: địa bàn quản lí của một hạt giao thông đường bộ, một hạt kiểm lâm, địa bàn hoạt động của một lực lượng quân sự...).
2. Địa bàn vùng sâu, vùng xa
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 114/2017/NĐ-CP quy định về đồn biên phòng thuộc vùng sau, vùng xa có định nghĩa:
“Vùng sâu, vùng xa” là vùng dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi hoặc vùng ngập nước, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển.
Như vậy, có thể hiểu vùng sâu, vùng xa là những nơi có dân cư thưa thớt, nằm ở nơi có vị trí địa lý khó cho cho việc đi lại giao thông, có điều kiện kinh tế khó khăn và kém phát triển.
3. Đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa
Theo Điều 2 Quyết định số 33/2020/QĐ-Ttg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 quy định:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.
2. Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương (sau đây gọi chung là thôn) có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên."
Như vậy, những đối tượng thuộc vào một trong hai trường hợp nêu trên sẽ đủ điều kiện để nhận hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Tiêu chí xác định vùng sâu vùng xa
Tiêu chí xác định vùng sâu, vùng xa được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 Quyết định số 33/2020/QĐ-Ttg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025:
"Điều 3. Tiêu chí xác định xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn)
Xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xã thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định này, chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 01 trong 02 tiêu chí sau:
1. Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số).
2. Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau:
a) Có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của xã;
b) Có số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông từ 20% trở lên;
c) Số lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên chiếm trên 80% tổng số lao động có việc làm;
d) Đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài trên 20 km, trong đó có trên 50% số km chưa được rải nhựa hoặc đổ bê-tông."
"Điều 4. Tiêu chí xác định xã khu vực I (xã bước đầu phát triển)
Xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xã thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định này và có 01 trong 02 tiêu chí sau:
1. Có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%.
2. Đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới."
"Điều 5. Tiêu chí xác định xã khu vực II (xã còn khó khăn)
Xã khu vực II thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là các xã còn lại sau khi đã xác định các xã khu vực III và xã khu vực I."
"Điều 6. Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn
Thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là thôn thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Quyết định này và có 01 trong 02 tiêu chí sau:
1. Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 30 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số nghèo).
2. Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau:
a) Có trên 60% tỷ tệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của thôn;
b) Chưa có đường từ thôn đến trung tâm xã hoặc có đường nhưng đi lại rất khó khăn nhất là mùa mưa;
c) Chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng trên 30% số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia."
5. Thủ tục xác định đối tượng thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Theo Điều 7 Quyết định số 33/2020/QĐ-Ttg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 quy định:
"Điều 7. Quy trình, thủ tục và thời gian xác định xã khu vực III, II, I và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
1. Đối với cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ các tiêu chí quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5, 6 của Quyết định này để xác định xã khu vực III, II, I và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; lập báo cáo kết quả xác định gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện.
2. Đối với cấp huyện: Sau khi nhận đủ hồ sơ của các xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổng hợp, rà soát, kiểm tra và lập báo cáo gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả xác định các xã khu vực III, II, I và thôn đặc biệt khó khăn trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện.
3. Cấp tỉnh: Sau khi nhận đủ hồ sơ của các huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban Dân tộc trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện của Cơ quan trung ương.
4. Cấp Trung ương: Ủy ban Dân tộc tổng hợp, tổ chức thẩm định, quyết định phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh."
6. Hồ sơ để xác định vùng đồng bào thiểu số và miền núi
- Hồ sơ cấp xã gửi cấp huyện: 02 bộ, mỗi bộ gồm:
+ Bảng đánh giá của xã và các thôn về mức độ đạt hoặc không đạt tiêu chí quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5, 6 của Quyết định này;
+ Danh sách thôn đặc biệt khó khăn và thôn được xác định thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Hồ sơ cấp huyện gửi cấp tỉnh: 01 bộ, gồm: Báo cáo kết quả và danh sách chi tiết xác định các xã khu vực III, II, I và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Hồ sơ cấp tỉnh gửi Ủy ban Dân tộc: 01 bộ, gồm:
+ Báo cáo kết quả và danh sách chi tiết xác định các xã khu vực III, II, I và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
+ Quyết định phê duyệt kết quả xác định tỷ lệ hộ nghèo của cấp có thẩm quyền đối với các xã, thôn;
+ Số liệu về dân số, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số và số liệu, tài liệu của xã, thôn có liên quan đến các tiêu chí quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5, 6 của Quyết định này;
+ Báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trường hợp hồ sơ, tài liệu chưa đảm bảo quy định, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời và hướng dẫn để địa phương biết, thực hiện.
7. Chính sách hỗ trợ của Việt Nam hiện nay đối với vùng sâu, vùng xa
Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3% đến 4%/năm.
Bên cạnh đó, giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn.
Nguyên tắc thực hiện là hỗ trợ trực tiếp đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng; các hộ được hỗ trợ phải sử dụng vốn đúng mục đích.
Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp thiếu đất ở, đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương, thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí ngân sách, tạo quỹ đất để giao đất cho các hộ làm nhà ở. Mức giao đất ở cho hộ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định phù hợp với thực tế của địa phương.
Hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tối đa 15 triệu đồng/hộ từ ngân sách nhà nước và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất sản xuất.
Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân sách nhà nước bằng tiền tối đa 5 triệu đồng/hộ và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác tăng thu nhập.
Các đối tượng nêu trên chỉ được thụ hưởng một trong hai chính sách hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn thiếu nước sinh hoạt được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Hộ thiếu đất sản xuất quy định nêu trên, hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi.
Cụ thể, phương thức cho vay thực hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; mục đích vay tạo quỹ đất sản xuất, làm dịch vụ hoặc làm nghề khác để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Định mức vay không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ; thời hạn vay tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay và có thể ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Hộ được vay vốn là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!