Kết thúc điều tra là gì? Đề nghị truy tố là gì? Đình chỉ điều tra là gì?

Kết thúc điều tra là việc điều tra vụ án đã hoàn thành, đến thời điểm Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra. Việc điều tra vụ án kết thúc khi Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra.

1. Kết thúc điều tra là gì?

Việc điều tra kết thúc khi cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc làm bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và người thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can. Bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp, đồng thời, Cơ quan điều tra phải báo ngay cho bị can và người bào chữa biết.

Trong các trường hợp đình chỉ điều tra theo quy định của pháp luật, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra. Quyết định đình chỉ điều tra được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, đồng thời, Cơ quan điều tra báo ngay cho bị can, người bị hại biết. Khi quyết định đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng, trả lại đồ vật đã bị tạm giữ. Nếu bị can bị tạm giam thì được trả tự do ngay.

Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày tháng năm, họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.

2. Đề nghị truy tố là gì?

Bản kết luận điều tra là văn bản tố tụng tổng kết việc điều tra và đề xuất giải quyết vụ án của cơ quan điều tra. Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, nãm, họ tên, chức vụ, chữ kí của người ra kết luận và trình bày diễn biến của hành vi phạm tội, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, những đặc điểm về nhân thân của bị can... những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lí do và căn cứ đề nghị truy tố. Để viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát điều tra đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho toà án giải quyết đúng đắn các vấn đề dân sự, hành chính phát sinh trong quá trình tố tụng, giải quyết việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo, kèm theo bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải có bản kê về thời hạn điều tra, biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng, ghi rõ thời gian tạm giữ, tạm giam, vật chứng đã thu giữ, biện pháp để bảo đảm việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản... nếu có.

Trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án đến viện kiểm sát cùng cấp, giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cho bị can hoặc đại diện của họ và gửi kết luận điều tra đề nghị truy tố cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Quy định về đề nghị truy tố tại các Điều 232, 233 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

3. Đình chỉ điều tra là gì?

Đình chỉ điều tra là chấm dứt việc điều tra vụ án hoặc với từng bị can (Điều 230, 234 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).

Trong những trường hợp sau đây cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra:

- Người đã yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu;

- Có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

- Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017);

- Người được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017);

- Người dưới 18 tuổi phạm tội trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điêu 29 BLHS (Xem: Điều 29 BLHS);

- Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Bản kết luận điều tra ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ và chữ kí của người ra kết luận và nêu rõ diễn biến của quá trình điều tra; phân tích việc đình chỉ điều tra dựa vào lí do và căn cứ nào. Ví dụ: khi đình chỉ điều tra đối với bị can là người dưới 18 tuổi phải nêu rõ hành vi phạm tội là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng (tên tội danh - điều khoản của BLHS được áp dụng); tội phạm gây hại không lớn; chỉ ra các tình tiết giảm nhẹ mà bị can được hưởng và cơ quan, tổ chức nào hoặc gia đình bị can nhận giám sát, giáo dục bị can. Nêu rõ căn cứ khoản 2 Điều 91 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự đối với họ; căn cứ khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc bị can được đình chỉ điều tra.

Cùng với bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lí do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, ưả lại đồ vật đã tạm giữ (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan.

Trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra cơ quan điều tra gửi bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án đến viện kiểm sát cùng cấp, giao bản kết luận điều tra và quyết định đinhg chỉ điều tra cho bị can hoặc đại diện của bị can và gửi kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can thì có thể đình chỉ điều tra với từng bị can. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì viện kiểm sát phải ưả lại hô sơ vụ án cho cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

4. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định pháp luật hiện hành

– Về khách quan: Việc chấm dứt phạm tội xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Thời điểm muộn nhất của tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội là thời điểm hành vi cuối cùng trong số các hành vi luật quy định chưa được thực hiện. Ví dụ: người phạm tội hiếp dâm mới thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mà chưa thực hiện hành vi giao cấu; hoặc là thời điểm hậu quả nguy hiểm (hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm) chưa xảy ra. Ví dụ: người phạm tội giết người mới thực hiện hành vi đam, chém…nạn nhân, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là điều người phạm tội mong muốn chưa xảy ra.

Khi phạm tội đã ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì cũng có nghĩa người phạm tội đã thực hiện hết những hành vi mong muốn và do vậy không thể có việc tự ý nửa chừng không thực hiện tiếp tội phạm. Tại thời điểm tội phạm chưa đạt đã hoàn thành, hậu quả của tội phạm tuy thực tế chưa xảy ra nhưng chủ thể cho rằng đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra và do vậy không cần có hành vi gì tiếp nữa. Do vậy, việc chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm rõ ràng không có ảnh hưởng gì đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.

Trong thực tế có trường hợp sau khi thực hiện những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm (phạm tội chưa đạt đã hoàn thành) và khi hậu quả chưa xảy ra người phạm tội đã tự nguyện có những hành động tích cực ngăn chặn không cho hậu quả xảy ra và do đó hậu quả đã không xảy ra. Về trường hợp này trong khoa học luật hình sự Việt Nam hiện nay có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội mà chỉ được coi là sự “hối hận tích cực” đáng được cân nhắc khi quyết định hình phạt. Quan điểm thứ hai coi là trường hợp tương tự của trường hợp tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội khi chưa được luật quy định riêng.

Khi phạm tội đã hoàn thành thì không còn điều kiện (cơ sở) để tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội vì khi đó, hành vi đã thực hiện đã có đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Việc dừng lại lúc này hoàn toàn không làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã thực hiện. Những hành vi chủ động ngăn chặn hậu quả nguy hiểm xảy ra, tự nguyện khôi phục lại tình trạng cũ như trả lại toàn bộ tài sản đã trộm cắp, tự thú, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại…đều không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội mà chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định mức độ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015.

– Về chủ quan: Việc chấm dứt tội phạm phải là sự chấm dứt tự nguyện và dứt khoát.

Chấm dứt tự nguyện có nghĩa việc dừng lại không thực hiện tội phạm đến cùng phải hoàn toàn do động lực bên trong của chủ thể thúc đẩy chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng việc thực hiện tội phạm, người phạm tội tin rằng không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Ví dụ: A chuẩn bị dao găm, bao tải để giết người và cướp tài sản của nhà ông B, A đến nhà ông B nhưng A nghĩ lại và thấy ông B là người tốt nên quay về không giết người cướp tài sản của nhà ông B nữa.

Nếu dừng lại không thực hiện tội phạm là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội, thì việc dừng lại này không được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội, mà có thể là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Chấm dứt dứt khoát có nghĩa người phạm tội hoàn toàn từ bỏ hẳn ý định (mong muốn) phạm tội, chấm dứt một cách triệt để mà không phải là thủ đoạn “tạm dừng” để tiếp tục thực hiện tội phạm khi có điều kiện.

Động cơ thúc đẩy chủ thể chấm dứt phạm tội là rất khác nhau nhưng không phải là điều kiện bắt buộc để xác định tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội. “Trong thực tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như: hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm với người quen biết…Do đó, không nên đòi hỏi người có hành vi nguy hiểm phải tỉnh ngộ, hối hận mà chỉ cần họ đã thực sự tự nguyện và dứt khoát không thực hiện tội phạm nữa thì được coi là tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội”.

5. Trách nhiệm hình sự trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội.

Theo Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm”.

Khi người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội thì xét về khách quan hành vi đã thực hiện có tính nguy hiểm cho xã hội còn hạn chế do chưa thão mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội định phạm và về mặt chủ quan, người phạm tội đã hoàn toàn tự nguyện và dứt khoát bỏ hẳn ý định phạm tội của mình, không còn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng như ở các trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Trong sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan như vậy, hành vi đã thực hiện trước đó của người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội được coi như đã mất tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội định thực hiện. Đây là căn cứ chủ yếu để Nhà nước quy định miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm cho người đã tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội. Mặt khác, chính sách hình sự của Nhà nước ta muốn tạo cơ hội cho người tuy đã có hành vi chuẩn bị phạm tội hay đã bắt đầu thực hiện tội phạm vẫn có cơ hội hưởng sự khoan hồng nếu họ tự nhận ra lỗi lầm của mình mà chấm dứt việc phạm tội. Việc họ từ bỏ ý định phạm tội cũng là một trong những mục đích nhằm đạt được trong việc xử lý hình sự và giáo dục người phạm tội.

Trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đã thực hiện. Ví dụ: người phạm tội giết người đã tấn công (đâm hay chém nạn nhân) bị thương rồi tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội giết người sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 123 BLHS năm 2015) nhưng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS năm 2015).

Việc tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức (trong trường hợp đồng phạm) có một số điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội của cá nhân người phạm tội. Nếu cá nhân người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội thì tội phạm không hoàn thành, hậu quả của tội phạm mà người phạm tội mong muốn không xảy ra. Trong trường hợp đồng phạm, người xúi giục, nếu người tổ chức hay người giúp sức tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, nhưng không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn người thực hành thực hiện tội phạm, thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện. Do đó, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt …và được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS năm 2015 về tội định phạm thì phải thỏa mãn hai điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức phải tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội trước khi người thực hành đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

Điều kiện thứ hai: Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm của người thực hành, làm mất tác dụng của những hành vi trước đó của mình. Cụ thể:

+ Người tổ chức, người xúi giục phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thầm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân biết có biện pháp ngăn chặn.

+ Người giúp sức phải chấm dứt việc tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm nhưng không cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho người thực hành…Nếu sự giúp sức đang được người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

+ Trong trường hợp có nhiều người thực hành tội phạm đã có người từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội nếu người từ bỏ ý định phạm tội đã không làm gì hoặc những việc đã làm của họ trước khi từ bỏ ý định phạm tội đã không giúp gì cho những đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Còn nếu những việc mà họ đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó.

+ Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức, người thực hành được miễn trách nhiệm hình sự về tội phạm theo Điều 16 BLHS năm 2015 trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nhưng nếu những việc đã làm của họ không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự; họ chỉ có thể miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS năm 2015 nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

Người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nhưng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm do người (hoặc những người) đồng phạm thực hiện không có sự giúp đỡ của họ.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự về điều tra vụ án hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể. Trân trọng./.