Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu có bị xử lý hình sự?

Đấu thầu là một hoạt động thương mại công khai, công bằng, minh mạch và tính cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp một cách bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu tùy theo mức độ vi phạm, người phạm tội hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu:

1. Nhiều vi phạm trong đấu thầu bị xử lý hình sự

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự số 2017 được sửa đổi, bổ sung 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2015) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Với chế tài mới, tại Điều 222 của Bộ luật, “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ bị xử lý hình sự.

Liên quan đến tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 222 của Bộ luật đã quy định rõ các mức độ xử lý vi phạm như: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).

Việc Bộ luật Hình sự có quy định tại Điều 222 về “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” chính là sự nối tiếp quy định tại Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 và tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý hành vi tiêu cực cũng như răn đe đối với các đối tượng thực hiện hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 kết hợp với Điều 89 và Điều 90 của Luật Đấu thầu đã tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật từ hành chính đến hình sự quy định về cùng một vấn đề. Và nội dung quy định đã rất rõ, nên theo các chuyên gia, khi Bộ luật có hiệu lực thi hành là có thể áp dụng ngay mà không phải chờ thêm hướng dẫn.

Qua phản ánh của nhà thầu và sự vào cuộc làm rõ của Báo Đấu thầu cho thấy, có nhiều dấu hiệu về tình trạng “nhờn luật”, cố tình “lách luật” hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Phổ biến là tình trạng không tuân thủ quy định về công bố thông tin đấu thầu, né tránh bán hồ sơ mời thầu (HSMT); cài cắm tiêu chí trong HSMT để tạo thuận lợi cho nhà thầu “ruột”, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu lạ; cản trở nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), làm rõ mang tính chiếu lệ các kiến nghị của nhà thầu…

Ngoài ra, có khá nhiều quan ngại về tình trạng “vận dụng” quy định của pháp luật về đấu thầu để chỉ định thầu hoặc áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu cho các trường hợp đặc biệt mà thực ra là một sự “lòng vòng” để rồi chỉ định thầu những gói thầu lớn không thuộc trường hợp được chỉ định thầu. Cùng với đó là hàng loạt trường hợp chỉ định thầu hoặc thường xuyên chỉ có 1 nhà đầu tư lọt qua bước sơ tuyển tại các dự án PPP để rồi được chỉ định thầu khiến dư luận nghi ngại, bức xúc.

Với chế tài mới tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 tới đây, nếu các cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, thì người nào thực hiện một trong những hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;… gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Xử lý hình sự với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu 

Người nào mà thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng kèm theo điều kiện là đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bi truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể các khung hình phạt cho tội này gồm có:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm

- Phạt tù từ 03 năm đến 12 năm đối với việc phạm tội thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn

- Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại từ 01 tỷ đồng trở lên

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP 

3. Những quy định cứng nhắc của Luật Đấu thầu liên quan đến các khoản chi nhỏ dưới 100 triệu đồng

Luật đấu thầu 2013 được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2014. Tính đến nay, trải qua gần 05 (năm) năm thực hiện, một vài quy định của Luật đấu thầu cho thấy rõ bất cập, không phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của Doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục, đặc biệt là các quy định rất cứng nhắc và thiếu tính thực tiễn liên quan đến các khoản chi nhỏ lẻ.

Căn cứ theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 1 Luật đấu thầu 2013, khi sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập là bắt buộc phải tổ chức lựa chọn nhà thầu. Theo đó, rất nhiều khoản chi trong chi thường xuyên có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến một vài triệu đồng như các khoản sửa chữa thường xuyên phát sinh đột xuất như: sửa xe ô tô, máy tính, máy in, điều hoà; sửa một vài chỗ hư hỏng nhỏ như nền nhà, cửa sổ, bàn làm việc, tủ tài liệu;…cũng nằm trong danh mục phải tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Nhận thấy sự bất cập trong thực tiễn thực hiện, năm 2015, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một số nội dung mua sắm thường xuyên. Theo đó, ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng nếu thực hiện theo quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các khoản chi nhỏ lẻ nêu trên thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thường xuyên.

Tuy nhiên, tính đến nay, mới có Thông tư 58/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành quy định chi tiết về việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (“Thông tư 58”).

Trong đó, quy định về trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu thông thường vẫn đang bị bỏ ngỏ và chỉ quy định dưới hình thức người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu mà chưa đưa ra được hình thức cụ thể (Điều 24 Thông tư 58). Cho đến nay, danh mục các nội dung mua sắm này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trong khi thực tế các khoản chi nhỏ lẻ này vẫn đang diễn ra thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị.

Và trên đây chính là tất cả thông tin về Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu có bị xử lý hình sự? do Công ty Luật Hòa Nhựt biên soạn và mong muốn gửi đến quý khách những thông tin pháp lý hữu ích nhất. Nếu như quý khách còn có vướng mắc về các vấn đề pháp lý, quý khách có thể lựa chọn liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 hoặc quý khách có thể liên lạc với Luật sư qua địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin tư vấn sớm nhất.

Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!