Mẫu đơn tố cáo hành vi bạo hành trẻ em 2024 và Cách viết

Bạo hành trẻ em là gì? Mẫu đơn tố cáo hành vi bạo hành trẻ em? Quy định của pháp luật về bạo hành trẻ em? Hãy cùng Luật Hòa Nhựt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hiện nay bạo hành trẻ em đang là vấn đề nóng hổi được toàn cầu quan tâm và diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Chính vì vậy khi phát hiện ra tình trạng này ở xung quanh, mỗi cá nhân và tổ chức cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho mầm non của đất nước.

 

1. Bạo hành trẻ em là gì?

Hành vi bạo hành trẻ em là một hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn thương về thể chất, tinh thần và ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em. Do đó, nếu bắt gặp trường hợp có người bạo hành trẻ em, người dân cần tố cáo hành vi bạo hành này nhanh chóng, kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê.... dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em, kể cả cha mẹ, người trông nom hay đứa trẻ khác.

Theo Cục bảo vệ cộng đồng, trẻ em và người khuyết tật của Queensland, Úc thì bạo hành trẻ em được chia thành 5 dạng là bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bạo hành tâm lý, bỏ bê và lạm dụng.

 

2. Bạo lực trẻ em là gì?

Theo quy định tại điều 4 Luật trẻ em 2016, Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

-> Bạo lực không chỉ là hành vi xâm hại sức khỏe mà còn về cả tinh thần của trẻ em.

 

3. Quy định của pháp luật về bạo hành trẻ em?

Căn cứ vào Luật trẻ em năm 2016

Nguyên tắc bảo bảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em

1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.

2. Không phân biệt đối xử với trẻ em.

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ trong các quyết định liên quan đến trẻ em. 

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em

- Tước đoạt quyền sống của trẻ em;

- Bỏ mặc, bỏ rơi, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em;

- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em;

- Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn;

- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác;

- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; 

- Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền;

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì Điểm cá nhân, hoàn thành gia cảnh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em; 

- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em;

- Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất sản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em;

- Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em;

- Lợi dung việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi; 

- Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, Điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ;

- Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em Mục đích hoặc trái quy định của pháp luật; 

- Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, Điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

 

4. Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay 

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Nguyên nhân trước hết là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ. Nhiều người coi chuyện đánh con là bình thường. Sự dồn nén tâm lý của một người do những khó khăn về kinh tế hoặc vì các chất kích thích.... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em.

Thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua cho thấy sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu... đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.

Công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa chỉ để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 30 trường hợp giải cứu khẩn cấp.

Phòng Tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có 511 người đến tham vấn trực tiếp, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số phụ nữ đến các Ngôi nhà bình yên ở Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian này là 72 người, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 4-2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó có hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình cũng tăng từ 30-300%. 

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, bạo lực trẻ em trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hãi, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung. Nhiều trẻ không có khả năng suy nghĩ tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thậm chí học theo hành vi của người lớn, tiến hành bạo lực với người khác. Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thường có xu hướng thiếu tin tưởng vào người lớn; có em bỏ nhà ra đi; chán nản, có ý nghĩ tự tử thậm chí có em đã tự tử...

Dẫn chứng từ thiết bị scan MRI (quét não bộ) đo chỉ số IQ của trẻ em cho thấy, nếu trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay là nhân chứng của những hành động này trong 3 năm đầu đời, hàm lượng chất xám bị giảm đi đáng kể. 

 

5. Mẫu đơn tố cáo bạo hành trẻ em 

Đơn tố cáo bạo hành trẻ em là gì?

Đơn tố cáo bạo hành trẻ em là văn bản được cá nhân, tổ chức sử dụng để trình báo với chủ thể có thẩm quyền về việc một cá nhân/ nhóm cá nhân có hành vi bạo hành trẻ em, yêu cầu chủ thể có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Hướng dẫn viết đơn tố cáo bạo hành trẻ em

(1) Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

- Nếu là Cơ quan/Tổ chức cấp huyện, thì cần ghi rõ Cơ quan/ Tổ chức nào thuộc tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương vào (ví dụ: Công an nhân dân huyện A, thuộc tỉnh B),

- Nếu là Cơ quan/ Tổ chức cấp tỉnh thì cần ghi rõ Cơ quan/ Tổ chức tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Công an nhân dân tỉnh H)

(2) Ghi họ, tên của người tố cáo. Nếu là người được ủy quyền tố cáo thì ghi rõ tên cá nhân ủy quyền. Nếu người tố cáo là người chưa thành niên thì cần có tên của người đại diện trong đơn tố cáo.

(3) Ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H) của người tố cáo tại thời điểm tố cáo.

(4) Ghi rõ số điện thoại có thể liên lạc được với người tố cáo.

(5) Ghi rõ các thông tin theo CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân.

Nếu người khiếu nại không có CMND/Hộ chiếu/Thẻ căn cước công dân thì ghi các thông tin theo giấy tờ tùy thân.

(6) (7) Ghi tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân của bị cáo.

(8) Tên hành vi trái pháp luật. Ví dụ: Anh A đã có hành vi đe dọa giết người đối với tôi.

(9) Ghi tóm tắt nội dung tố cáo (tóm tắt sự việc, hành vi xâm phạm, xâm phạm quyền và lợi ích gì, gây ra thiệt hại gì); ghi rõ cơ sở pháp lý xác định hành vi vi phạm và yêu cầu giải quyết tố cáo.

(10) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn tố cáo gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự.

(11) Người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp người tố cáo không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn tố cáo, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm bằng chứng, ký xác nhận vào đơn tố cáo.

Lưu ý: Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về hành vi đối với cùng một người bị tố cáo thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Bên cạnh đơn tố cáo, khi muốn tố cáo hành vi bạo hành trẻ em, người tố cáo cũng cần chuẩn bị thêm những giấy tờ chứng minh khác để làm căn cứ cho những gì mình đã tố cáo và để cơ quan nhà nước có thể nhanh chóng xác định nội dung đã tố cáo. Một số tài liệu có thể đính kèm theo đơn tố cáo như:

  • Tài liệu, giấy tờ làm bằng chứng chứng minh hành vi bạo hành: Hình ảnh, video có ghi lại cảnh bạo hành, Lời khai của những người chứng kiến sự việc; ghi chú về thương tật, thương tích của bạn trong văn bản của cơ quan công an, của chính quyền địa phương; ảnh chụp thương tật, thương tích và hiện trường xảy ra vụ việc; giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo hành gây ra;...
  • Chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân/ hộ chiếu, Sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ tùy thân khác được sao y chứng thực của người tố cáo
  • Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu hoặc những giấy tờ có thể chứng minh độ tuổi của đứa bé bị bạo hành.

Mẫu đơn tố cáo bạo hành trẻ em

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

---

...., ngày ..... tháng ..... năm .......
 

ĐƠN TỐ CÁO/TRÌNH BÁO/TỐ GIÁC TỘI PHẠM

(Về hành vi bạo hành trẻ em của ....)
 

Kính gửi: Công an xã/phường......

Căn cứ Luật trẻ em 2016;

Căn cứ Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em

Tôi là ...... Sinh ngày .......

CMND/CCCD số: ........ Ngày cấp:..... Nơi cấp: .......

Hộ khẩu thường trú: ......

Chỗ ở hiện tại:......

Tôi làm đơn này tố cáo/ trình báo tố giác hành vi bạo hành cháu ....... của:

Anh/chị: ........ Sinh ngày: .........

CMND/CCCD số: ....... Ngày cấp ..... Nơi cấp: .........

Hộ khẩu thường trú:.....

Chỗ ở hiện tại:.....

Tôi xin trình bày sự việc như sau:.........

(Ví dụ: Tôi là ..... của gia đình anh/ của cháu...... (nạn nhân). Vào khoảng ..... (mốc thời gian) tôi thường xuyên thấy anh/ chị..... (có quan hệ cha/mẹ/họ hàng...... với cháu........ (nạn nhân)) có hành vi chửi bới, lăng mạ cháu........, thậm chí là đánh đập. Tôi có vào can ngăn và có khuyên anh........ để anh không đánh cháu nữa vì cháu còn rất nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều lần trông thấy và cùng gia đình can ngăn, anh....... vẫn thường xuyên đánh đập cháu...... Tôi nhận thấy hành vi của anh ...... đang gây tổn hại rất lớn về sức khỏe, tâm lý của cháu...... khi cháu luôn có biểu hiện sợ sệt khi tiếp xúc với bên ngoài và khi làm sai ý của ......

Căn cứ điểm .... Khoản .... Điều ...... Bộ luật hình sự/Nghị định.... quy định:

(Trích căn cứ khẳng định hành vi trên là hành vi vi phạm pháp luật, có thể tham khảo các trích dẫn ở cuối bài)

Nhận thấy hành vi của:

Ông/Bà.......... Sinh năm.....

CMND/CCCD số..... Ngày cấp..... Nơi cấp.....

Hộ khẩu thường trú.......

Chỗ ở hiện tại.......

(Chỉ cần trình bày những gì bạn biết về đối tượng bạo hành)

Là hành vi bạo lực..... được quy định tại ...... (Trích dẫn luật)

Do vậy, tôi làm đơn này kính đề nghị Cơ quan công an xem xét, tiến hành điều tra, xác minh và có biện pháp xử lý đối tượng.......... có hành vi vi phạm trên theo quy định của pháp luật. Kính đề nghị Quý cơ quan một số yêu cầu như sau:

1/ Có biện pháp ngăn chặn, cách ly và bảo vệ cháu..... khỏi sự hành hạ, ngược đãi của....;

2/ Yêu cầu xử phạt ông/bà....... đúng theo quy định của pháp luật.

Tôi xin cam đoan những thông tin mà mình đã nêu trên là đúng sự thật. Kính mong Quý cơ quan xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người làm đơn

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

Thời hạn giải quyết đơn tố cáo bạo hành trẻ em

Căn cứ vào Khoản 3,4 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung), thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

Đối với tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố thì phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được tố cáo. Trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.

 

6. Những lưu ý khi trình bày đơn tố cáo bạo hành trẻ em

Mặc dù nắm được những yêu cầu về nội dung bên trong đơn tố cáo bạo hành trẻ em song đơn của bạn vẫn có thể bị từ chối bởi chưa đạt yêu cầu về hình thức. Vậy nên một số lưu ý của Luật Hòa Nhựt sau đây sẽ giúp bạn sở hữu mẫu đơn được đánh giá cao.

 

6.1 Đơn tố cáo phải được trình bày đầy đủ thông tin

Bất kể bạn trình bày thiếu thông tin nào trông số những thông tin được nêu ở trên thì điều khiến đơn tố cáo của bạn khó có thể được chấp nhận. Bởi vì cơ quan chức năng Nhà nước, nhất là đơn vị tiếp nhận và xử lý các vụ bạo hành thì họ cần mọi thứ phải rõ ràng, điều này tránh trường hợp vu khống hay ảnh hưởng tới công dân khác.

Quan trọng nhất là mẫu đơn tố cáo bạo hành trẻ em đó chính là thông tin về người bị tố cáo và các bằng chứng có liên quan tới vụ bạo hành. Đương nhiên, bằng chứng này phải nêu rõ được hành vi của đối tượng bị tố cáo theo đúng đơn mà bạn gửi.

Căn cứ càng chính xác, hiệu quả xử lý sự việc bạo hành càng cao. Vì vậy, nếu có phát hiện và viết đơn tố cáo bạo hành trẻ em thì bạn cần lưu ý tới độ chuẩn xác hay chi tiết của từng thông tin đưa ra.

 

6.2 Lưu ý hình thức trong văn bản để tạo sự chuyên nghiệp

Với những văn bản được viết tay, người viết cần đảm bảo đơn tố cáo bạo hành trẻ em của mình dễ nhìn, dễ đọc và sử dụng lời văn hay cách diễn đạt sự việc dễ hiểu. Tránh trường hợp viết chữ quá xấu, nguệch ngoạc gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận thông tin từ đơn vị chức năng.

Ngoài ra, khi viết đơn tố cáo bạo hành trẻ em cần đảm bảo một hình thức trình bày bắt mắt và khoa học. Khi viết hãy lưu ý lỗi chính tả, cách đưa ra vấn đề đúng trọng tâm nhất để nâng cao giá trị của văn bản.

Bài viết trên của Luật Hòa Nhựt đã cung cấp tới bạn đọc mẫu đơn tố cáo bạo hành trẻ em cụ thể và chi tiết nhất. Đây chính là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng tiến hành xử lý và giải quyết những cá nhân, tổ chức có hành vi bạo hành đối với trẻ nhỏ. Hi vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trân trọng cảm ơn!

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!