1. Khái niệm quốc khánh
Quốc khánh có nghĩa là “việc mừng, lễ mừng của nước”. Việc “khai sinh ra một nước” có thể xem là “việc mừng” lớn nhất của nước đó nên mới được gọi là “quốc khánh”. Cho nên, Từ điển tiếng Việt mới định nghĩa “quốc khánh” là “lễ chính thức lớn nhất của một nước (thường kỷ niệm ngày có sự kiện được coi là trọng đại nhất trong lịch sử)” [Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội, 1992, tr.799].
Như vậy, nghĩa gốc của từ “quốc khánh” là “lễ mừng của nước”, rồi hoán dụ thu hẹp thành nghĩa “lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử một nước”. Còn nét nghĩa “sự ra đời, sự thành lập của một nước” là do sự trùng hợp thực tiễn mà thôi.
Quốc khánh là ngày thành lập nhà nước.
Quốc khánh là ngày lễ chính thức lớn nhất của quốc gia vì nó được coi là ngày khai sinh của một quốc gia, một dân tộc.
Quốc khánh thường là ngày có sự kiện được coi là là trọng đại nhất trong lịch sử của một quốc gia. Các quốc gia thường lấy ngày cách mạng thành công, ngày tuyên bố độc lập hay ngày thành lập chính thể mới làm ngày quốc khánh.
Ngày quốc khánh của mỗi quốc gia thường được quy định trong đạo luật cơ bản của Nhà nước.
2. Khái niệm ngày Quốc khánh Việt Nam
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
3. Nguồn gốc của ngày Quốc khánh Việt Nam
Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Hồ Chủ tịch từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những công tác đối nội và đối ngoại, quyết định việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của chính phủ lâm thời.
Từ sáng sớm ngày 2/9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng đường Ba đình, các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Vũ Nhai, đã lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, vừa cùng nhân dân vùng dậy cướp chính quyền, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới- nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ.
Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
4. Ý nghĩa của ngày Quốc khánh
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định:
“Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ lớn của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn 75 năm kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước Việt Nam đang không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên rất nhiều. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI. Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. 72 năm qua là cả một quá trình phấn đấu hy sinh không gì so sánh nổi của cả dân tộc để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay.Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần; Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế. Kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh 2-9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9-1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp của Người, đọc Tuyên ngôn 2/9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đây chính là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất, cùng tưởng nhớ và biết ơn vĩ nhân Hồ Chí Minh- người anh hùng dân tộc. Là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, cống hiến cho dân tộc.
Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2/9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kì nghỉ lễ Quốc khánh năm nào cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm, giải trí nghệ thuật thu hút rất nhiều người xem do đây là kì nghỉ lễ lớn và quan trọng đối với Việt Nam.
5. Tìm hiểu về Bản tuyên ngôn độc lập
Khái niệm
Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo, và đọc trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Tóm tắt nội dung cơ bản
Ngày 2/9/1945 Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-mốc son chói lọi trong lịch sử đánh dấu kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Văn bản Tuyên ngôn độc lập được Bác viết cho ai? Người viết để hướng tới “đồng bào cả nước” những người hơn 80 năm qua rên xiết dưới ách xâm lược của thực Pháp và phát xít Nhật. Không chỉ vậy đối tượng của bản Tuyên ngôn còn là các nước thực dân xâm lược thế lực thù địch có dã tâm cướp nước ta lần nữa, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đồng thời Người còn hướng đến toàn thể nhân dân trên toàn thế giới. Bác viết như thế nào? Người đưa ra Cơ sở lý luận và cơ sở thực tế cho bản Tuyên ngôn của dân tộc Trước hết về cơ sở lí luận được Bách trích dẫn về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp Về cơ sở thực tiễn Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc ta hơn 80 năm qua. Từ đó đập tan luận điệu xảo trá bẻ gãy ngọn cờ “bảo hộ” của chúng. Cuối cùng Bác viết để làm gì? Mục đích cao cả nhất, lớn lao nhất của bản Tuyên ngôn là tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới và khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc ta bằng tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải”. Tuyên ngôn độc lập đã hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh đồng thời cho thấy khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Ý nghĩa của Bản Tuyên ngôn Độc lập
Về mặt chính trị, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Đây là biểu tượng cho việc chấm dứt sự cai trị của các thế lực ngoại quốc ở Việt Nam. Bản tuyên ngôn đã đưa tới cho người đọc và người nghe một thế giới quan kịch tính, một lịch sử cô đặc, một vài khẳng định táo bạo, những cụm từ sinh động, và hình tượng đầy cảm xúc.
Bản Tuyên ngôn độc lập đã nêu bật các giá trị bình đẳng giữa các quốc gia, các quyền cơ bản của con người và của các dân tộc, quyền tự quyết dân tộc và quyền được hưởng độc lập, tự chủ của mỗi quốc gia. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tố cáo và lên án những tội ác man rợ của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa… Đồng thời khẳng định, Việt Nam – một nước thuộc phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai – đã giành độc lập sau khi chiến thắng Phát xít Nhật Bản, Trước đó người Pháp đã hai lần trao quyền đại diện và bảo hộ đối với Việt Nam cho Phát xít Nhật nên Pháp không còn đủ tư cách để đại diện cho nhân dân Việt Nam nữa.
Bản Tuyên ngôn độc lập còn khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được hưởng tự do độc lập, đồng thời cũng vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam đã là một nước tự do và độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào. Đồng thời, bản Tuyên ngôn cũng khẳng định nhân dân Việt Nam sẽ giữ nền độc lập, tự chủ mới giành được bằng mọi giá.
Bản tuyên ngôn độc lập để thể hiện sự tôn trọng ngoại giao mà Hà Nội dành cho Paris và Washington khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp (1791). Việc này đã tạo ra bức tranh đối lập giữa những lý tưởng mà Pháp và Mỹ vẫn đang cổ súy với thực tại đau khổ trong 80 năm Việt Nam bị Pháp cai trị.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!