Quy trình đấu thầu thuốc ở Bệnh Viện thực hiện như thế nào?

Đấu thầu thuốc bao gồm một chuỗi hoạt động có liên quan đến cơ quan y tế công lập và tư nhân cùng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có mong muốn kinh doanh thuốc trong bệnh viện nhằm mục đích lựa chọn ra một đơn vị phù hợp với tiêu chuẩn để tiến hành cung cấp thuốc cho bệnh viện. Ở bài viết dưới đây, Luật Hòa Nhựt sẽ tư vấn cho quý bạn đọc về quy trình đấu thầu thuốc ở Bệnh viện. sẽ thực hiện như thế nào.

1. Đấu thầu thuốc được hiểu như thế nào?

 Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

Đấu thầu thuốc (thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm) và dược liệu tại các cơ sở y tế công lập bao gồm: Việc phân chia gói thầu, nhóm thuốc; lập kế hoạch, hình thức, phương thức, tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc; quy định mua sắm thuốc tập trung và đàm phán giá thuốc sử dụng nguồn vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.Trên cơ sở đó, có thể hiểu đấu thầu thuốc là quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế được áp dụng với những đơn vị có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế cũng như các nguồn thu hợp pháp nhằm phục vụ công tác khám bệnh và chữa bệnh.

Đối tượng áp dụng đấu thầu thuốc : 

+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu thuốc.

+  Các cơ sở y tế hoạt động theo Luật doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

+  Cơ sở y tế tư nhân tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

2. Đấu thầu thuốc có những hình thức nào?

Các hình thức đâu thầu thuốc (hay chính là các hình thức lựa chọn nhà thầy trong đấu thầu thuốc) tại bệnh viện hiện nay, bao gồm:

- Đấu thầu rộng rãi.

- Đấu thầu hạn chế.

- Chỉ định thầu .

- Chào hàng cạnh tranh.

- Mua sắm trực tiếp.

- Tự thực hiện.

Tùy vào quy mô, tính chất của từng gói thầu thuốc tại bệnh viện để xác định nên áp dụng hình thức đấu thầu thuốc nào cho phù hợp.

3. Quy trình đấu thầu thuốc trong bệnh viện

Bước 1: Tiến hành lập kế hoạch lựa chọn nhà cung cấp thuốc

Khi bệnh viện có nhu cầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, cơ sở y tế căn cứ vào nguồn nhân sách nhà nước, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữ bệnh, nguồn thu do cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán, nguồn thu hợp pháp của năm trước liền kề và dự kiến như cầu sử dụng thuốc trong năm kế hoạch của đơn vị để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm: tên gói thầu, dạng bào chế thuốc, tên thuốc, giá gói thầu, nguồn vốn, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng.

Trách nhiệm xây dụng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc:

- Thủ trưởng cơ sở y tế tổ chức xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 14 Thông tư 15/2019/TT-BYT và các quy định sau đây:

+ Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc đàm phán giá: Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế xây dựng theo thông báo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm;

+ Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương: Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập căn cứ nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở y tế xây dựng theo thông báo của Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm;

+ Đối với các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức lựa chọn nhà thầu: Cơ sở y tế chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Kế hoạch được lập định kỳ hoặc đột xuất khi có nhu cầu. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 12 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc.

- Thủ trưởng cơ sở y tế tổ chức lựa chọn nhà thầu bảo đảm quy định sau đây:

+ Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc đàm phán giá: Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo quy định tại Chương IV và Chương V Thông tư 15/2019/TT-BYT.

+ Đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương: Đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo quy định tại Chương IV Thông tư 15/2019/TT-BYT.

+ Đối với thuốc ngoài Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương và Danh mục thuốc đàm phán giá: Cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc theo quy định tại Chương III Thông tư 15/2019/TT-BYT.

 Bước 2: Thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu

Tiến hành lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, để gửi đến các đơn vị chủ trì thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Đơn vị sẽ thực hiện thẩm định và lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trình gửi Thủ trưởng cơ sở y tế xem xét phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã được lập và thẩm định bởi đơn vị thẩm định.

Bước 3: Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc

Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và nộp bảo đảm dự thầu theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật đấu thâu hiện hành.

Bên mời thầu thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo phương pháp, tiêu chuẩn, quy trình theo yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành.

Tiến hành thương thảo hợp đồng và đề xuất trúng thầu, thẩm định và trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, phê duyệt và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, và ký kết hợp đồng, bảo đảm thực hiện hợp đồng và sử dụng thuốc đã trúng thầu.

4. Phương thức lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu thuốc 

Căn cứ Điều 25,26 Thông tư 15/2021/TT-BYT có 2 phương thức áp dụng trong đấu thầu bao gồm: Phương thức giai đoạn một túi hồ sơ và Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

- Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ là phương thức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

+ Gói thầu mua thuốc theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế nhưng có quy mô nhỏ theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP;

+ Gói thầu mua thuốc theo hình thức chào hành cạnh tranh;

+ Gói thầu mua thuốc theo hình thức mua sắm trực tiếp;

+ Gói thầu mua thuốc theo hình thức chỉ định thầu thông thường.

- Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ là phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau:

+ Gói thầu mua thuốc theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế có giá gói thầu trên 10 tỷ đồng;

+ Gói thầu mua thuốc theo hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng nhưng thuốc đó cần được lựa chọn trên cơ sở kết hợp giữa chất lượng và giá.

Lưu ý về các hình thức xử phạt trong lĩnh vực đấu thầu gồm:

- Cảnh cáo, phạt tiền

- Bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực đấu thầu

Trên đây là những tư vấn của Luật Hòa Nhựt về quy trình đấu thầu thuốc trong Bệnh viện, nếu quý bạn đọc còn bất kỳ vướng mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư tư vấn pháp luật đấu thầu trực tuyến: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được hỗ trợ nhanh chóng nhất. Trân trọng!