Vi phạm quy định về đấu thầu bị xử phạt hành chính như thế nào?

Đấu thầu là một trong những hoạt động quan trọng của chính phủ để duy trì sự tồn tại và hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình đầu thầu luôn có những vi phạm, việc xác lập các quy định về Xử lý vi phạm trong đấu thầu nhằm răn đe các hành vi tiêu cực có thể xảy ra, tạo hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Vậy vi phạm quy định về đấu thầu bị xử phạt hành chính như thế nào?

1. Vi phạm quy định về đấu thầu bị xử phạt hành chính như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đấu thầu quy định tại nghị định này là  300.000.000 đồng. Tổng hợp mức xử phạt với các hành vi vi phạm trong đấu thầu được quy định như sau:

- Mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:

+ Chậm đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trên trang thông tin điện tử so với thời hạn theo quy định.

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

+ Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không đầy đủ nội dung hoặc không đầy đủ căn cứ. 

+ Không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán khi đã đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

+ Phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt.

+ Không tổ chức thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu trước khi phê duyệt.

- Mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng:

+ Tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

+ Áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà thầu và loại hợp đồng không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu.

- Mức phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng:

+ Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được phê duyệt

+ Phân chia dự án, dự toán thành các gói thầu không đáp ứng yêu cầu về tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu hoặc để tránh áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.

- Mức phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng:

+ Lựa chọn nhà đầu tư khi chưa đáp ứng các điều kiện.

+ Chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất khi chưa đáp ứng điều kiện.

- Mức phạt từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng:

+ Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt.

+ Cho phép nhà đầu tư làm rõ đối với các nội dung về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm dẫn đến làm thay đổi bản chất về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham dự thầu.

2. Hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu

Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu, hiện nay có 4 hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, bao gồm:

Cảnh cáo, phạt tiền

Căn cứ theo quy định tại Chương III Nghị định 122/2021/NĐ-CP hình thức xử phạt cảnh cáo, phạt tiền áp dụng đối với những hành vi sau:

- Các hành vi bị xử lý bao gồm:

+ Vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

+ Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

+ Vi phạm quy định về thương thảo hợp đồng đối với lựa chọn nhà thầu và đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư

+ Vi phạm quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu

- Mức phạt tiền: Mức phạt phụ thuộc vào hành vi vi phạm có tính chất nặng hay nhẹ, thấp nhất là 500.000 đồng đối với hành vi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư muộn hơn so với quy định và cao nhất là 40 triệu đồng với hành vi Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

Cấm tham gia hoạt động đấu thầu

 Hình thức xử phạt cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định tại Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của luật đấu thầu và vi phạm quy định về sử dụng lao động sẽ bị cấm tham gia vào hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể:

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận; cản trở.

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi chuyển nhượng thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi không đảm bảo công bằng; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư trái quy định của pháp luật.

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động quy định tại Khoản 8 Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

 Hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã quy định rõ các mức độ xử lý vi phạm như:

- Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2);

-  Bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3);

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).

3. Thực tiễn áp dụng các quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu

Việc pháp luật quy định chi tiết những hành vi bị cấm, những hành vi vi phạm với hình thức xử lý tương ứng đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để xử lý những vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập như sau:

+ Những sai phạm vẫn chỉ bị xử lý nhẹ tay: Gần đây, nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành về đầu tư công, chấp hành pháp luật trong đấu thầu ở các địa phương đã điểm mặt hàng loạt sai phạm trong đấu thầu, nhưng trong các kết luận thanh tra, đặc biệt là phần kiến nghị xử lý sai phạm liên quan đến khâu lựa chọn nhà thầu, đa phần chỉ là hình thức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng cũng khiến việc vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu vẫn còn phổ biến. Như chúng ta thấy vi phạm thường xảy ra ở các dự án đầu tư công, từ những gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn vốn ODA.

Chỉ cần siết chặt khu vực này thì việc thông thầu, vi phạm quy trình đấu thầu sẽ được giảm thiểu đáng kể. Tại Việt Nam, Luật Đấu thầu 2013 mặc dù đã có nhiều quy định rất ưu việt, tuy nhiên, trong bối cảnh các hành vi hối lộ, tham nhũng, gian lận vẫn còn phổ biến và nhức nhối trong xã hội, thì luật pháp là chưa đủ, mà còn cần sự quyết tâm của cơ quan thực thi và giám sát thực thi pháp luật.

Những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đấu thầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của hoạt động đấu thầu, một hoạt động mang ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của quốc gia. Do đó, khi pháp luật đã có những quy định cụ thể về vấn đề này thì việc các cơ quan có thẩm quyền đưa những quy định này thi hành trên thực tế là cần thiết để hoạt động đấu thầu diễn ra hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.868644. Hoặc quý khách hàng gửi yêu cầu chi tiết qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc.

Trân trọng !