1. Học phần là gì?
Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện và hoàn chỉnh cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo. Phần lớn các học phần đều được cấu tạo bởi từ 2 đến 4 tín chỉ, trong đó nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần được gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp của nhiều môn học. Từng học phần sẽ được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.
2. Phân loại học phần
Có hai loại học phần là học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Trong đó:
- Học phần bắt buộc là loại học phần chứa đựng các nội dung kiến thức chính yếu, tiên quyết của mỗi chương trình, thể hiện những nội dung đặc trưng không thể thiếu của ngành học và bắt buộc sinh viên phải tích lũy. Nội dung của các học phần bắt buộc là cơ sở để sinh viên có kiến thức cơ bản tiếp cận các học phần chuyên ngành.
- Học phần tự chọn là loại học phần chứa đựng những nội dung kiến thức nên biết, sinh viên được tự chọn các học phần theo ý mình nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn, từ đó giúp sinh viên tiếp cận được với nhiều kiến thức chuyên môn với hướng mở rộng, phong phú nội dung nhằm định hướng nghiên cứu hoặc việc làm cho sinh viên sau khi ra trường hoặc phải hoàn thành việc tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một Chương trình đào tạo đại học.
3. Tín chỉ là gì?
Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019: Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập đã tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định.
Sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định của ngành học sẽ được nhận bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ tốt nghiệp đại học. Học phí ở đại học cũng sẽ được tính dựa trên số tín chỉ tích lũy trong từng kỳ.
4. Chương trình đào tạo và thời gian học tập
Điều 2 Quy chế đào tạo trình Đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là "Quy chế đào tạo trình độ Đại học 2021" hoặc "Quy chế") quy định về Chương trình đào tạo và thời gian học tập như sau:
- Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, được cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (sau đây gọi chung là học phần), trong đó phải có đủ các học phần bắt buộc và đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong trường hợp đào tạo song ngành hoặc đào tạo ngành chính - ngành phụ, chương trình đào tạo phải thể hiện rõ khối lượng học tập chung và riêng theo từng ngành.
- Nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo áp dụng chung đối với các hình thức, phương thức tổ chức đào tạo và đối tượng người học. Đối với người đã tốt nghiệp trình độ khác hoặc ngành học khác, khối lượng học tập thực tế được xác định trên cơ sở công nhận hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy và miễn trừ học phần trong chương trình đào tạo trước.
- Chương trình đào tạo phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học. Nếu có những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo thì phải được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, lưu ý cần đảm bảo không gây tác động bất lợi cho sinh viên trong quá trình học.
- Đối với mỗi hình thức đào tạo, chương trình đào tạo cần cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa để định hướng cho sinh viên. Trong đó:
+ Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo chính quy phải phù hợp với thời gian quy định trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời đảm bảo đa số sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo;
+ Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.
- Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
5. Đào tạo theo tín chỉ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy chế đào tạo trình độ Đại học 2021 thì đào tạo theo tín chỉ là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo.
Khi áp dụng phương thức tổ chức đào tạo theo tín chỉ:
- Trường hợp sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;
- Trường hợp sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.
- Sinh viên học theo tín chỉ phải đăng ký lớp của các học phần dự định sẽ học trong học kỳ, gồm: những học phần mới, một số học phần chưa đạt (để học lại) và một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm, nếu có) căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng ký của mỗi học phần.
6. Đánh giá và tính điểm học phần
Cách đánh giá và tính điểm học phần được quy định tại Điều 9 Quy chế đào tạo trình độ Đại học 2021. Theo đó:
- Thông thường, đối với mỗi học phần, sinh viên sẽ được đánh giá qua tối thiểu 02 điểm thành phần. Trường hợp học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ thì có thể chỉ có một điểm đánh giá. Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10. Phương pháp đánh giá, hình thức đánh giá và trọng số của mỗi điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của mỗi học phần.
- Nếu sinh viên vắng mặt trong buổi thi mà không có lý do chính đáng thì phải nhận điểm 0; nếu sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng thì đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.
- Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và thông thường được xếp loại điểm chữ như dưới đây:
+ Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập, bao gồm: A (từ 8,5 - 10,0), B (từ 7,0 - 8,4), C (từ 5,5 - 6,9), D (từ 4,0 đến 5,4).
+ Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập: P (từ 5,0 trở lên).
+ Loại không đạt: F (dưới 4,0).
Ngoài ra, một số trường đại học hiện nay còn áp dụng thang điểm chữ có thêm các mức điểm A+, B+, C+, D+. Khi đó, điểm học phần được xếp loại điểm chữ như sau:
Loại | Thang điểm 10 | Thang điểm 4 | |
Điểm số | Điểm chữ | ||
Đạt | Từ 9,0 đến 10 | 4.0 | A+ |
Từ 8,5 đến 8,9 | 3.7 | A | |
Từ 8,0 đến 8,4 | 3.5 | B+ | |
Từ 7,0 đến 7,9 | 3.0 | B | |
Từ 6,5 đến 6,9 | 2.5 | C+ | |
Từ 5,5 đến 6,4 | 2.0 | C | |
Từ 5,0 đến 5,4 | 1.5 | D+ | |
Từ 4,0 đến 4,9 | 1.0 | D | |
Không đạt | Dưới 4,0 | 0 | F |
- Học lại, thi lại và học cải thiện điểm:
+ Sinh viên có điểm học phần không đạt phải đăng ký học lại theo quy định, trừ trường hợp việc cho phép thi lại, đánh giá lại một điểm thành phần để cải thiện điểm học phần; điểm lần học cuối sẽ là điểm chính thức của học phần đó
+ Sinh viên đã có điểm học phần ở loại đạt được phép đăng ký học lại để cải thiện điểm theo quy định của cơ sở đào tạo.
7. Đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học
Theo quy định tại Điều 10 Quy chế đào tạo trình độ Đại học 2021, việc đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học được thực hiện như sau:
- Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ hoặc từng năm học, dựa vào kết quả các học phần theo yêu cầu của chương trình đào tạo và có điểm theo các tiêu chí sau:
+ Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên không đạt trong một học kỳ, trong một năm học, hoặc nợ đọng từ đầu khoá học;
+ Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên đã đạt từ đầu khóa học (số tín chỉ tích lũy), tính cả các học phần được miễn học, được công nhận tín chỉ;
+ Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ, trong một năm học hoặc tính từ đầu khóa học (điểm trung bình tích lũy), tính theo điểm chính thức của học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.
- Điểm trung bình được tính như sau:
Điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số theo thang điểm như dưới đây, trừ trường hợp cơ sở đào tạo đang đào tạo theo niên chế và sử dụng thang điểm 10:
+ A được quy đổi thành 4;
+ B được quy đổi thành 3;
+ C được quy đổi thành 2;
+ D được quy đổi thành 1;
+ F được quy đổi thành 0.
Điểm chữ nhiều mức hơn do cơ sở đào tạo quy định (nếu có) cũng được quy đổi sang điểm số tương ứng theo thang từ 0 đến 4.
- Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy theo thang điểm như sau:
+ Theo thang điểm 4:
Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;
Từ 3,2 đến dưới 3,6: Giỏi;
Từ 2,5 đến dưới 3,2: Khá;
Từ 2,0 đến dưới 2,5: Trung bình;
Từ 1,0 đến dưới 2,0: Yếu;
Dưới 1,0: Kém.
+ Theo thang điểm 10:
Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;
Từ 8,0 đến dưới 9,0: Giỏi;
Từ 7,0 đến dưới 8,0: Khá;
Từ 5,0 đến dưới 7,0: Trung bình;
Từ 4,0 đến dưới 5,0: Yếu;
Dưới 4,0: Kém.
Trên đây là bài viết của Luật Hòa Nhựt về chủ đề Học phần là gì? Những điều cần biết về học phần và tín chỉ. Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của công ty chúng tôi: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để nhận được sự giải đáp thắc mắc nhanh chóng, kịp thời đến từ đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm chuyên môn. Xin cảm ơn sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!